Đến với 12 đền chùa linh thiêng nhất Việt Nam dịp Tết Nguyên đán

Phủ Tây Hồ (Hà Nội) – Cầu tài lộc

Trên mảnh đất thủ đô tráng lệ không thiếu những ngôi đền, ngôi chùa cổ kính. Trong tất cả những đền chùa ấy thì Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong. VÌ vậy, mỗi năm, dịp Tết đến xuân về, không chỉ những người dân Hà Nội, mà đa số du khách khắp nơi khi đến thăm Hà Nội đều đến đây thắp hương cầu phúc với hi vọng một năm may mắn và an lành. Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây.

Ở ngay đầu làng có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Hàng năm cứ sau thời khắc giao thừa, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây. Nếu gia đình bạn đang muốn tìm một địa điểm vừa có thể du lịch, vừa có thể cầu lộc, cầu tài thì không nên bỏ qua chốn linh thiêng bậc nhất Hà Thành này.

Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) – Xin lộc rơi lộc vãi

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình – Chùa – Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.

Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo léo trong việc tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt. Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã mất trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

Theo dân gian truyền miệng thì, những người đi lễ đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền làm ăn kinh doanh trong năm mới để có được một năm kiếm thật nhiều tiền và kinh doanh thuận lợi. Các thương gia, các nhà doanh nghiệp ai cũng cố vào được cửa Bà. Bằng mọi giá, mọi cách, họ phải khấn vái và đặt lễ được trước mặt Bà. Có vậy Bà mới cho lộc, mới mở kho xuất tiền cho vay. Mọi người lên lễ Bà Chúa Kho để vay tiền hoặc xin “lộc rơi lộc vãi”. Nếu muốn vay thì cũng được nhưng thủ tục khá rắc rối, phải qua nhiều ban bệ. Đa số mọi người chỉ lên xin lộc rơi lộc vãi, nhưng để tỏ lòng thành kính năm nào nhân dân cũng lên tạ lễ Bà đã phù hộ cho. Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành thói quen đối với nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh.

Đền Trần (Nam Định) – Xin ấn

Đền Trần (Trần Miếu) là một đền thờ ngụ tại đường Trần Thừa phường Lộc Vượng thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn (cổng chính phía nam) và Trần Miếu (Miếu thờ nhà Trần). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.

Cả 3 đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.

Cứ ngày 14 tháng riêng âm lịch hàng năm, Nam Định tổ chức lễ khai ấn Đền Trần, dù chỉ đêm 14 tháng Giêng mới khai ấn đền Trần nhưng mới mùng 7, mùng 8 Tết, phủ Thiên Trường Nam Định đã tấp nập du khách thắp hương, vãn cảnh đầu xuân. Theo tương truyền, ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 – 24h của ngày 14 tháng giêng. Vì vậy hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau cũng chỉ mong xin được ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Để xin được ấn vua ban lúc nửa đêm, người ta phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu, hoặc đến thời điểm khai ấn. Nếu bạn và gia đình muốn đến thăm đến Trần và xin ấn, chắc chắn sẽ có một chút khó khăn cho bạn bởi vào những ngày Lễ như thế này, ở đây rất đông đúc và hương khói bay nghi ngút.

Quốc Tử Giám (Hà Nội) – Xin chữ

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám, vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám những ngày đầu năm khách trong nước cũng như nước ngoài ra vào nườm nượp với hy vọng muông muốn một năm học tập suôn sẻ, thuận lợi, thi cử tốt đẹp. Những năm gần đây, những chú Rùa được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi các học sinh khắp nơi muốn “sờ” đầu Rùa đề có thể “vượt vũ môn”. Ngoài ra, tại Văn Miếu cũng có rất nhiều ông đồ cho chữ, mọi người ríu rít xin mà không quan tâm quá nhiều đến giá cả như những món hàng hóa thông thường.

Chùa Hà (Hà Nội) – Cầu duyên

Chùa Hà có hai truyền thuyết của sự hình thành. Truyền thuyết thứ nhất đó là vào thời Lý, Vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054 – 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa (sau này gọi là Chùa Hà) để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này còn có tên là Thánh Đức tự.

Truyền thuyết thứ hai kể rằng Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.

Trên mảnh đất thủ đô có rất nhiều ngôi chùa, trong đó Chùa Hà là một trong những ngôi chùa nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy được nhiều người dân Hà Nội biết và đến lễ vào những dịp Tết, ngày rằm. Đây là một trong những ngôi chùa rất linh thiêng trong chuyện cầu duyên. Đến đây không chỉ có những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình, mà còn cả những đôi bạn trẻ đến cầu mong cho chuyện tình cảm tốt đẹp hơn. Người đi chùa Hà cũng không sắp lễ nhiều như ở những chùa khác chỉ đơn giản là một ít tiền vàng, hoa, trầu cau đựng trong một chiếc khay nhỏ và một thứ không thể thiếu là tiền lẻ.

Đền Bắc Lệ (Lạng Sơn) – Cầu may mắn và bình an

Nếu còn độc thân hay muốn cầu hạnh phúc gia đình, bạn hãy tìm đến đền Bắc Lệ. Dân gian vùng quê nơi đây luôn tin tưởng đây là ngôi đền cầu tình duyên thiêng nhất tại xứ Lạng cũng như trên đất nước Việt Nam.

Đền Bắc Lệ Lạng Sơn thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là đền thờ Mẫu điển hình ở nước ta. Lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 Âm lịch. Đền Bắc Lệ nằm trên một quả đồi cao, xung quanh rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – nữ thần núi. Bà là người trông coi, cung cấp và ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người. Ngoài ra, được suy tôn trong đền còn có Chầu Bé – một nhân vật có thật người vùng Bắc Lệ, đây chính là các cô, các cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Lễ hội đền Bắc Lệ bao gồm các phần lễ chính: lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước… Không khí của buổi lễ hòa trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng với những điệu nhạc và những trang phục rực rỡ sắc màu của điệu múa sanh tiền, người dân ở đây tin rằng điệu múa sẽ đem lại may mắn và bình an.

Chùa Duyên Ninh (Duyên Ninh Tự) (Ninh Bình) – Cầu duyên và cầu tự

Chùa Duyên Ninh nằm ở làng cổ Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Từ thành phố Ninh Bình theo đại lộ Tràng An 10 km tới chùa. Chùa Duyên Ninh cùng với chùa Am Tiên, chùa Kim Ngân, chùa Cổ Am, chùa Nhất Trụ là những chùa cổ thời Đinh – Lê nằm trong khuôn viên kinh thành Hoa Lư còn tồn tại đến ngày nay. Trong số đó, chùa Duyên Ninh cùng với chùa Kim Ngân nằm ở vị trí thành Tây của kinh đô xưa. Cũng như chùa Nhất Trụ, chùa Duyên Ninh là nơi thờ phật và các nhà sư thế kỷ 10 như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh.

Tương truyền, Chùa Duyên Ninh là nơi các công chúa thời Đinh – Lê thường qua lại. Tại đây, công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng công Lý Công Uẩn đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông) vào năm 1000. Sau này khi Lý Thái Tông trở về đây dẹp loạn Khai Quốc Vương đã đổi tên chùa thành chùa Duyên Ninh. Cuối đời, Hoàng hậu Phất Ngân đã về đây tu hành và trông coi mộ phần thân phụ là Hoàng đế Lê Đại Hành. Tại đây, Hoàng hậu đã tác hợp cho nhiều đôi lứa thành đôi và từ đó Duyên Ninh trở thành ngôi chùa cầu duyên ở cố đô Hoa Lư. Cũng vì vậy mà người ta thường đến đây để cầu duyên và cầu tự nếu hiếm muộn đường con cái.

Chùa Ông (Hồ Chí Minh) – Cầu duyên

Chùa Ông (còn gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán); hiện tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, nằm lọt thỏm giữa một vùng đô thị thương mại sầm uất. Đó là địa chỉ tâm linh của cộng đồng người Hoa và cả người Việt tìm đến để cầu nguyện mỗi ngày.

Trong miếu, vị thần được thờ chính là Quan Công (tức Quan Vân Trường), một nhân vật thời Tam Quốc. Đối với người Hoa, ông là người tài đức vẹn toàn. Vì vậy, miếu có tên là miếu Quan Đế. Và vì đây cũng là nơi hội họp của người Triều Châu, nên còn gọi là Nghĩa An Hội Quán. Tuy nhiên, ngôi thờ này thường được gọi là chùa Ông theo thói quen của nhiều người. Dù không thuộc loại nhất nhì về quy mô, nhưng theo khẳng định của nhiều người thì sự linh thiêng của chùa đã nức tiếng xa gần. Rất nhiều bạn trẻ đã đến đây để mong tìm được mối nhân duyên cho mình.

Đền Chử Đồng Tử (Hưng Yên) – Cầu duyên

Đền Chử Đổng Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) gắn liền với mối tình giữa nàng công chúa Tiên Dung lá ngọc cành vàng với chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo Chử Đồng Tử. Mối lương duyên của Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung vẫn còn mãi với thời gian. Chính vì thế nhiều người đến đây không chỉ để dâng nén nhang tưởng nhớ tới một trong những “tứ bất tử” của Việt Nam cùng hai vị phu nhân xinh đẹp là Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa mà còn để cầu mong tìm được tình yêu chân chính, gia đình yên ấm trong suốt cả năm.

Am Mỵ Nương (Hà Nội) – Cầu duyên

Am Mỵ Nương nằm trong chùa Cổ Loa (Hà Nội). Trong chùa, có am nhỏ thờ một bức tượng không đầu được trang trí rất đẹp và sang trọng. Theo người dân sống tại đây, bức tượng này là thờ công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa. Câu chuyện tình cảm sắt son, chung thủy của nàng Mỵ Nương cùng Trọng Thủy khi xưa đã khiến bao người cảm động, tin tưởng rằng đến nơi đây cầu duyên sẽ được linh ứng. Do vậy cứ đến ngày đầu năm người ta đổ về đây mong kiếm tìm hạnh phúc” cho mình. Chính vì vậy am Mỵ Nương được người đời truyền tụng là rất có ứng nghiệm trong cầu tình duyên và hạnh phúc gia đình.

Chùa Hương (Hà Tây)

Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Ngày mồng sáu tháng giêng là ngày khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.

Trong suốt những ngày hội là sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, là sự thành kính của các bậc cao niên, là sự hoan hỷ mà nam phụ lão ai ai cũng có phần riêng của mình. Cả ở những triền núi thấp cao, những rừng cây, rừng mơ… là những đoàn người trẩy hội. Kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên, người đi xuống bồng bềnh vào những đám mây nhẹ. Họ gặp nhau, quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau bằng một lời chào: “Nam mô a di đà Phật” nhẹ nhàng. đằm thắm và ấm áp…

Chùa Yên Tử

Yên Tử được mệnh danh là kinh đô Phật giáo của nước ta từ thế kỷ 13, vì vậy, cứ mỗi dịp đầu xuân, hàng vạn người dân cả nước lại trẩy hội về với non thiêng Yên Tử. Sau lễ hội chùa Hương, thì lễ hội Yên Tử đang là lễ hội hành hương lớn thứ hai vào mùa xuân ở nước ta với cả quy mô và thời gian trẫy hội. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm và cũng kéo dài suốt mùa Xuân. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.

Hiện nay hệ thống cáp treo ở Yên Tử đã đi vào hoạt động, đưa du khách tới chùa Hoa Yên ở độ cao 534 m so với mực nước biển, nơi có hai cây đại 700 năm tuổi. Từ đây du khách tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa nằm rải rác trên đường đi tới chùa Đồng. Đường lên chùa Đồng du khách có cảm tưởng như đi trong mây.

Hương Giang

Tổng Hợp

Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *